Giải đáp: Kích thước bàn học sinh chuẩn bằng bao nhiêu?

Ngày đăng: 2021-04-23 16:32:33

Bàn học sinh là thiết kế luôn được các bậc phụ huynh quan tâm đến rất nhiều khi các con của mình đã đến độ tuổi đi học. Đương nhiên, ngoài việc học ở trường ra thì học tại nhà cũng vô cùng quan trọng. Nên việc lựa chọn một bộ bàn ghế học công năng với kích thước đạt chuẩn luôn là điều được đặt lên hàng đầu. Bởi theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc các bé ngồi học với bộ bàn ghế có kích thước không đạt chuẩn cũng là lý do gây ra các bệnh như vẹo cột sống, cận thị, dễ mệt mỏi. Vậy kích thước bàn học sinh chuẩn bằng bao nhiêu? Đây chính là câu hỏi khiến rất nhiều cha mẹ cảm thấy nan giải trên hết.


Quy định về kích thước bàn học sinh chuẩn của Bộ Y tế


Kích thước bàn học sinh chuẩn hiện nay được áp dụng tại nước ta hoàn toàn sẽ phải dựa vào quy định do Bộ Y tế ban hành. Bộ Y tế hàng năm đều ra những quy chuẩn riêng để chọn kích thước bàn học cho trẻ. Mỗi độ tuổi của trẻ em sẽ có những loại bàn học có quy chuẩn riêng. Hơn thế, điều này giúp các phụ huynh có một thông số để so sánh chính xác nhất. 

 

Quy định về kích thước bàn học sinh chuẩn của Bộ Y tế


Dựa theo những thông số này bạn sẽ biết được kích thước bàn học sinh cấp 1, kích thước bàn học sinh cấp 2 hay kích thước bàn học sinh cấp 3 cần phải lựa chọn là bao nhiêu. Quy định về kích thước bàn học sinh của Bộ Y tế sẽ được tính toán dựa vào chiều cao của học sinh từ đó tính ra chiều cao của bàn và ghế bằng bao nhiêu cho phù hợp. Cụ thể như sau:


•    Trẻ cao từ 100 đến 109cm: Chiều cao ghế: 26cm, Chiều cao bàn: 45cm.
•    Trẻ cao từ 110 đến 119cm: Chiều cao ghế: 28cm, Chiều cao bàn: 48cm.
•    Trẻ cao từ 120 đến 129cm: Chiều cao ghế: 30cm, Chiều cao bàn: 51cm.
•    Trẻ cao từ 130 đến 144cm: Chiều cao ghế: 34cm, Chiều cao bàn: 57cm.
•    Trẻ cao từ 145 đến 159cm: Chiều cao ghế: 37cm, Chiều cao bàn: 63cm.
•    Trẻ cao từ 160 đến 175cm: Chiều cao ghế: 41cm, Chiều cao bàn: 69cm.


Ngoài ra, trong đó cần phải đảm bảo khoảng cách giữa bàn và ghế học sinh tính từ mặt bàn học xuống mặt phẳng nằm ngang ghế, tỉ số chênh lệch trong khoảng 2cm sẽ không ảnh hưởng tới tư thế ngồi học của học sinh. Nếu lớn hơn 2cm thì học sinh sẽ phải nâng vai lên khi viết bài, cơ thể bị mất cân bằng, làm giảm cự ly từ mắt tới sách vở. Còn nhỏ hơn 2cm khi ngồi sẽ phải cúi đầu về phía trước nhiều hơn, dễ gây mỏi lưng trong khoảng thời gian ngăn và tiềm ẩn nguy cơ gây ra bệnh vẹo cột sống.


Các kích thước bàn học sinh phổ biến hiện nay


Ngoài những thông số kích thước bàn học sinh chuẩn do Bộ Y tế ban hành ra thì hiện nay tùy theo kiểu dáng, thiết kế còn có nhiều thông số khác nhau trong vấn đề này. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, khi những thông số trên được quy định hầu như cho các kiểu bàn học truyền thống. Nhưng hiện nay, xu hướng nội thất đa năng, thông minh đang dần phổ biến hơn nên khi lựa chọn mua sắm chúng ta cần phải cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể.


Kích thước bàn học sinh có giá sách

 

Kích thước bàn học sinh có giá sách


Đây là kiểu dáng bàn học đang rất được ưa chuộng nhờ công năng tích hợp vô cùng tiện dụng. Lúc này chắc chắn chiều cao của bàn học đã có sự chênh lệch rất nhiều so với kích thước chuẩn như trên. Đây là điều khó tránh khi chúng được thiết kế liền với giá sách. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn phải đảm bảo những thông số chính cũng như tỷ lệ giữa bàn và ghế học tránh gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Kích thước bàn học sinh có giá sách được quy định dựa vào từng kiểu dáng cụ thể, nhưng phổ biến sẽ là:


•    Chiều dài: 1200mm
•    Chiều rộng: 530mm
•    Chiều cao tổng thể: 1900mm


Kích thước bàn học đôi

 

Kích thước bàn học đôi


Đối với những gia đình có từ hai con trở nên trong cùng độ tuổi, không chênh lệch quá nhiều thì bàn học đôi luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Vừa tối ưu hóa diện tích không gian vừa tạo điều kiện để các bé có thể tự kèm cặp nhau. Theo đó kích thước bàn học đôi tối thiểu là dài 1m6, rộng tối thiểu 50 – 60cm và khoảng cách từ mắt bé đến mặt bàn sao cho đạt chuẩn 25 – 30cm.


Kích thước bàn học ngồi bệt

 

Kích thước bàn học ngồi bệt


Với những bé đang học mẫu giáo hoặc mới vào lớp một thì thường các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn bàn học kích thước nhỏ với kiểu dáng bệt nhiều hơn. Bàn học ngồi bệt có thể là loại chân xếp gọn hoặc chân cố định, nhưng khá thấp và không có ghế ngồi. Nên kích thước bàn học ngồi bệt cho bé tới 4 tuổi thì chiều cao của bàn nên rơi vào khoảng 25,4cm; chiều cao bàn học từ 5 – 7 tuổi nên là 26 – 28cm còn chiều cao bàn bệt cho bé từ 8 – 10 tuổi nên là 28 – 30cm. Tuy nhiên, đối với các bé tiểu học các mẹ vẫn nên áp dụng đúng với quy định về kích thước bàn ghế học sinh tiểu học do Bộ Y tế ban hành.


Kích thước bàn học sinh liền ghế

 

Kích thước bàn học sinh liền ghế


Bàn học sinh liền ghế là loại thường được sử dụng trong các trường học, trung tâm nhiều hơn là tại nhà. Vì vậy, kích thước bàn học sinh liền ghế sẽ được phân chia theo từng cấp như sau:


•    Kích thước bàn học mầm non: ghế cao 30cm, bàn cao 50cm (cỡ 2).
•    Kích thước bàn học sinh tiểu học: ghế cao 33cm, bàn cao 55cm (cỡ 3); hoặc ghế cao 38cm, bàn cao 61cm (cỡ 4).
•    Kích thước bàn học sinh trung học: cỡ 4; hoặc ghế cao 44cm, bàn cao 64cm (cỡ 5).
•    Kích thước bàn học sinh THPT: lớn hơn một cỡ so với kích thước bàn học sinh trung học.


Những điều nên tránh khi lựa chọn bàn học cho bé tại nhà


Không chỉ có kích thước bàn học sinh mà trong suốt quá trình lựa chọn mẫu nội thất sẽ có rất nhiều điều khác mà bắt buộc các bậc phụ huynh cần phải lưu tâm đến. Với một thị trường vô cùng sôi động như hiện nay không quá khó để chúng ta lựa chọn cũng như tham khảo các mẫu bàn học cho bé yêu của mình. Tuy nhiên, dù thế nào các bạn cũng cần phải tránh những điều dưới đây:


Thứ nhất – Lựa chọn ghế bàn học không tựa: Đây là điều cần phải tránh đầu tiên, có thể bàn học trên lớp của các bé là kiểu ghế không tựa nhưng tại nhà thì không nên như vậy. Trên lớp các bàn được kê liên tiếp nhau nên ghế không tựa sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nhưng bàn học ở nhà mà là ghế không tựa các bé sẽ rất nhanh bị mỏi lưng, ngồi học không thoải mái.


Thứ hai – Kích thước mọi bàn học đều giống nhau: Đây là sai lầm mà rất nhiều phụ huynh thường xuyên mắc phải. Thứ nhất, mỗi một độ tuổi, tùy theo chiều cao của bé mà chúng ta cần phải lựa chọn kích thước sao cho phù hợp. Thứ hai, tùy theo kiểu dáng mà những thông số này vẫn có sự thay đổi nhất định chứ không phải dập khuôn hoàn toàn.


Thứ ba – Không quan tâm đến sở thích của con: Rất nhiều phụ huynh vẫn thường áp đặt suy nghĩa của mình đến con cái, trong trường hợp này cũng vậy. Nhưng bàn học lại là nơi trực tiếp tạo cảm hứng học tập cho con trẻ, tránh việc chọn mua các mẫu mà các bé không thích vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ.


Dù lựa chọn bất kì kiểu dáng, mẫu mã nào thì các mẹ cũng cần phải lưu ý đến kích thước bàn học sinh chuẩn mà chúng tôi đã gửi đến trong bài ngày hôm nay. Những thông số này sẽ giúp các bạn lựa chọn được kiểu dáng bàn học phù hợp nhất về kích thước đối với bé yêu của mình. Từ đó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt quá trình sử dụng của các bé.